Thông báo
Đã thêm thành công sản phẩm vào giỏ hàng
Đặt hàng thành công!
Đơn hàng của bạn đã được đặt thành công. Thông tin đơn hàng đã được gửi vào email của bạn.
English
Tiếng Việt
- Điện thoại: 04.3633.0676 - Hotline: 04.3633.0676

Lãi suất huy động tăng: Kẻ mừng, người lo

Cập nhật: 02/04/2016
Lượt xem: 697

Mặc dù việc tăng LSHĐ thời gian qua khiến thị trường sôi động hơn, nhưng theo các NH đây không phải cuộc đua lãi suất mà họ cần nguồn vốn nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và đảm bảo cơ cấu về tỷ lệ nguồn vốn.

Thời gian qua, việc hàng loạt các NH tăng lãi suất huy động (LSHĐ) đã khiến cho thị trường có chút biến động. Không chỉ các NHTMCP nhỏ mà các ông lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng điều chỉnh tăng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, việc NH tăng LSHĐ trên thực tế chưa có nhiều tác động trực tiếp đến người dân và DN. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là các DN khá lo lắng về khả năng lãi suất cho vay tăng theo.

Theo thống kê của NHNN, trong hai tháng đầu năm 2016 có đến 15 NH tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm/năm.

Tại Sacombank, LSHĐ được NH này áp dụng từ chiều 22/3/2016 điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1- 0,2%. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,6%/năm lên 5,8%/năm, 12 tháng từ 6,4% lên 6,6%/năm, kỳ hạn 15 và 18 tháng tăng nhẹ lên mức 6,6%/năm.

Vietcombank cũng tăng LSHĐ thêm 0,3 - 0,5%/năm. Tại BIDV, từ ngày 19/3/2016, BIDV đã tăng lãi suất huy động khoảng 0,3%, trong đó kỳ hạn 3 tháng tăng lên 5,5%; kỳ hạn 6-9 tháng lên 5,8%; kỳ hạn 12-18 tháng lên 6,8%. Đặc biệt LSHĐ kỳ hạn 36 tháng của NH này tăng từ 6,8% lên 7,2%...

Có thể nói, việc tăng LSHĐ cũng đã tác động tích cực lên việc huy động vốn của các NH. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Hà Nội, dự kiến đến 31/3/2016, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 1.482.180 tỷ đồng, tăng 0,5% so với 31/12/2015; tăng 21,86% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 6,22%, tiền gửi thanh toán giảm 2,19%, nguồn vốn huy động trên 12 tháng chiếm 30,5% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,5%. Tiền gửi VND tăng 1,72% và tiền gửi ngoại tệ giảm 1,45% so với cuối năm 2015.

Chị Đinh Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mới đây chị bán mảnh đất được hơn 800 triệu đồng và đã đem gửi tiết kiệm NH. Với biểu suất lãi suất mới chị Hà quyết định gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao là 6,8%/năm. Theo chị Hà, trong năm 2015 lãi suất tiết kiệm thường xuyên giảm và đã ở mức khá thấp, do đó, việc tăng lãi suất lần này giúp người gửi tiền có lợi nhiều hơn, dù rằng để hưởng lãi suất cao khách hàng thường phải có số dư lớn hoặc gửi kỳ hạn dài.

Nếu như người gửi tiết kiệm được hưởng lợi từ việc LSHĐ tăng thì ngược lại, nhiều DN lại lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc Công ty TNHH Khí Công nghiệp Đông Anh cho rằng: mặc dù NH chưa có động thái gì về việc lãi suất cho vay tăng nhưng DN cũng đang rất lo âu về các khoản vay NH trước đó. Nếu lãi suất cho vay tăng trong thời điểm này thì rất nhiều DN sẽ gặp khó khăn khi chi phí vốn bị đội lên. Hiện tại, Công ty là khách hàng thường xuyên của VietinBank Đông Anh và một số NHTM khác và đang vay với lãi suất 9% -10%/năm.

Ông Thuyết cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, hoạt động sản xuất của DN cũng bị ảnh hưởng, do đó DN mong muốn các NH giảm thêm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho DN. Trước tình hình LSHĐ tăng DN chỉ mong muốn lãi suất cho vay giữ nguyên như hiện nay. Có như vậy các DN mới yên tâm khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở góc độ quản lý, đại diện vụ chức năng NHNN cho biết, đến nay lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức ổn định. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn. Các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Mặc dù việc tăng LSHĐ thời gian qua khiến thị trường sôi động hơn, nhưng theo các NH đây không phải cuộc đua lãi suất mà họ cần nguồn vốn nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và đảm bảo cơ cấu về tỷ lệ nguồn vốn. Trên thực tế, thời gian qua tín dụng trung dài hạn có xu hướng tăng, mức tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng ngắn hạn.

Theo NHNN chi nhánh Hà Nội, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn chủ yếu là ngắn hạn chiếm tỷ trọng 69,5% trong tổng nguồn vốn huy động, nguồn vốn trung dài hạn còn hạn chế (chiếm 30,5%). Trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm tỷ trọng 55,07% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Chính vì vậy, các NHTM tăng LSHĐ, đặc biệt là các kỳ hạn dài để thu hút nguồn tiền.

 

Đến 31/3/2016, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 1.251.903 tỷ đồng, tăng 1,15% so với 31/12/2015, tăng 21,68% so với cùng kỳ năm 2015 (tháng 1/2016 tăng nhẹ 0,2%, tháng 2/2016 dự kiến tăng 0,7%). Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 944.375 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,44% tổng dư nợ và tăng 1,43% so với 31/12/2015. Dự nợ ngắn hạn chiếm 57,39% so với tổng dư nợ và tăng 0,77%. Dư nợ trung và dài hạn chiếm 42,61% và tăng 1,68%. Dư nợ bằng VND chiếm 90,13% và tăng 1,03%; Dư nợ bằng ngoại tệ chiếm 9,87% và tăng 2,28% so với cuối năm 2015.

 

Tin liên quan
  • 1
  • Bacviet Group
  • 9
  • 5
  • 8
  • 7
  • 6
  • 4
  • 3
  • 2
Copyright Capella Group @ 2016. All rights reserved.
Thiết kế websiteSEO - Tất Thành